1
Bạn cần Chợ Du Lịch hỗ trợ gì?

 

Nguồn gốc món phở bò Nam Định

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Nguồn gốc món phở bò Nam Định

Phở bò Nam Định cũng là một trong những món ăn nổi tiếng trứ danh bởi hương vị ngọt ngào, khác biệt. Món phở bò Nam Định có nguồn gốc như thế nào, bạn hãy tìm hiểu thông tin nhé!

Giới thiệu phở bò Nam Định

Theo ghi chép từ nhiều nguồn tài liệu thì món phở xuất hiện đầu tiên tại Nam Định. Bởi những người thợ, hay những công nhân làm trong nhà máy dệt Nam Định hay phải làm ca đêm, thế nên họ phải nạp năng lượng bằng cách ăn đêm để có sức khỏe làm việc. Vì thế, những gánh phở đã xuất hiện như một lẽ tất yếu để phục vụ nhu cầu của công nhân, thợ thuyền trong khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Và những gánh phở rong của người làng Giao Cù, hay những người họ Cồ ở làng Vân Cù - Đồng Sơn - Nam Trực đã xuất hiện.

Rồi từ đó những gánh phở Cồ, phở Giao Cù Nam Định đã xuất hiện tại 36 phố phường Hà Nội cũng như khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Cho đến ngày nay những gánh phở đã được dần thay thế bằng những quán phở khang trang, sạch sẽ để phục vụ cho du khách trong và ngoài nước.

Qua bến Đò Quan, xuôi tỉnh lộ 55 về huyện Nam Trực trên chục cây số là tới Vân Cù. Những cái tên địa danh gắn liền với phở như Giao Cù, Tây Lạc, Vân Cù, Đồng Sơn… hay có thể gọi chung là phở Nam Định đã làm mê mẩn những thực khách khó tính nhất trên mọi miền Tổ quốc. Nhiều người cho rằng nguồn gốc của phở có thể từ Trung Quốc hay Pháp nhưng phở Vân Cù khởi nguyên từ lâu lắm, vẫn tồn tại và nổi tiếng đến giờ.

Xem thêm: Những khách sạn đẹp ở Nam Định

món phở bò Nam Định

Nguồn gốc phở bò Nam Định

Theo lời kể của ông Cồ Viết Minh năm nay đã 75 tuổi là người làng Vân Cù – chủ cửa hàng phở Đồng Nguyên có địa chỉ tại 45 Trần Nhật Duật, thành phố Nam Định thì từ nhỏ ông đã thấy phở Vân Cù đã có từ lâu rồi. Trước những năm 1950 ông làm thuê cho cửa hiệu Hoa Kiều, sau khi hòa bình lập lại (năm 1954) ông đã mở cửa hiệu riêng.

Từ những năm 1960 ông tham gia ngành Mậu dịch, năm 1975 ông chuyển về khách sạn Vị Hoàng làm việc và năm 1984 ông đã tham gia “Hội thi nấu ăn toàn quốc ngành du lịch” tại Vũng Tàu ông đã đạt một lúc cả ba giải vàng, bạc, đồng cho ba món ăn của mình.

Cũng theo ông, trước đây phở Nam Định chủ yếu là phở bò và phở gà, nhưng cùng với những biến đổi theo thời gian và nhu cầu đa dạng của thực khách, phở Nam Định cũng có những thay đổi không còn nguyên vẹn hương vị ngày xưa.

Từ việc chỉ chuyên bán phở bò, mà cũng là phở bò chín, đến việc có thêm phở tái, nạm, gầu, phở gà, phở kèm thịt lợn, rồi đến phở xào bò, gà… đến việc chế biến gia vị phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng của từng vùng miền của đất nước và giữa thủ đô của phở thì phở Nam Định vẫn giữ được những hương vị riêng, truyền thống.

Phở bò Nam Định đặc biệt ở khâu chế biến

Quy trình sản xuất bánh phở Vân Cù

Bánh phở là một trong những nguyên liệu chính tạo nên món phở, nếu thiếu nó thì đã trở thành một món ăn khác như bún, miến, mỳ… chứ không còn là phở nữa. Quy trình làm bánh phở hầu hết đều làm theo một cách làm giống nhau.

Đầu tiên là việc lựa chọn gạo, gạo làm bánh phở phải là gạo ngon, đạt tiêu chuẩn, nhiều bột và bánh dai, gạo này phải được xay xát thật trắng thì khi làm ra bánh phở mới trắng và bong.

Khi có gạo đạt tiêu chuẩn rồi người ra cho gạo vào ngâm nước trong khoảng thời gian nhất định để gạo ngấm đủ nước sau đó vớt gạo ra và vo đãi cho sạch nước gạo, gạo được cho vào cối xay thành bột, bột xay phải mịn thì bánh làm ra mới mềm, dai.

Bột xay xong thì được chuyển sang công đoạn tráng bánh. Ngày xưa người ta tráng bánh theo cách thủ công mà cách thức giống như họ tráng bánh cuốn bây giờ, bánh tráng thủ công thì không đều, bánh dầy và cứng. Còn bây giờ người ta tráng bánh bằng máy theo hệ thống dây chuyền, chính vì vậy mà bánh đều, mỏng, bong và ngon hơn.

Bánh phở được chín bằng hơi nước nóng, vì thế lò tráng bánh phải đủ nhiệt thì bánh mới chín thấu. Bánh phở thành phẩm đạt yêu cầu phải là: trắng mềm, mỏng, có độ bong, dai khi ăn vẫn có độ giòn.

món phở bò Nam Định có gì đặc biệt

Nước dùng

Công đoạn pha chế nước dùng của phở Nam Định là quan trọng nhất, đó là bí quyết gia truyền của những người thợ làm phở. Nước phở được ninh từ xương ống của bò cùng một số gia vị như thảo quả, gừng, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế, hành khô, tôm nõn, sá sùng…

Xương rửa sạch, cạo hết thịt bám vào xương cho vào nồi đun với nước lạnh. Nước đầu tiên đổ đi để khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò vào nước dùng, nước lần sau mới làm nước dùng cho thêm gừng và hành củ nướng vào.

Để lửa lớn cho nước sôi sau đó giảm bớt lửa vớt bọt cho thêm ít nước lạnh đun sôi rồi vớt bọt cho đến khi nào nước trong và không còn bọt nữa, cho ít gia vị và điều chỉnh lửa để nước sôi lăn tăn không bị đục và có vị ngọt của xương. Nước dùng ngon là do các loại gia vị theo bí quyết “gia truyền” của dòng họ Cồ.

Đặc biệt, nước phở càng ngọt lim và trong bao nhiêu thì tô phở bò Nam Định càng ngon bấy nhiêu. Và một điều cần phải lưu ý đó là cho ít muối vào nước phở. Bởi nếu cho quá nhiều muối thì nước phở sẽ bị chát. Chỉ cần cho 1 lượng muối vừa đủ để giữ vị mặn và thay muối là nước nắm. Và nước nắm pha vào nước dùng phải là loại nước mắm thơm ngon mới giữ được độ trong veo của nước phở. Nếu nước mắm không ngon, có màu thì nước phở sẽ bị gắt và bị vẩn đục làm cho nước kém ngọt.

Thịt bò

Thịt bò để cho vào bát phở cũng phải lựa từ súc thịt tươi sống, rửa thật sạch. Và khâu luộc thịt cũng là cả 1 nghệ thuật khéo léo đối với người thợ nấu phở. Khi luộc thịt bò lúc sôi thì phải vớt váng hết ra đến đó thì miếng thịt mới thơm và không hề bị chát. Thịt chín rồi thì sẽ không được vớt ra ngay mà sẽ được ủ nguyên trong nồi khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau đó, thịt mới được vớt ra và treo lên cao để róc nước sau đó sẽ được tẩm ướt gia vị. Như thế khi đưa miếng thịt lên miệng bạn sẽ cảm thất miếng thịt thơm phức, ăn chắc dai mà không hề bị bở.